Cô và trò
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

LỊCH SỬ TRƯỜNG MỸ HOÀ

Go down

LỊCH SỬ TRƯỜNG MỸ HOÀ Empty LỊCH SỬ TRƯỜNG MỸ HOÀ

Bài gửi  hanhnhan_friendship 08/01/10, 03:47 pm

Trang Truyền thống

Trường Tiểu học Mỹ Hòa (cũ) (1) nằm ở đầu thôn Hòa Thạch, xã Đại Hòa, được chế độ cũ xây dựng vào những năm 1922,1923. Lúc đầu chỉ có một dãy bỏ phòng bằng gạch lợp ngói, một dãy hai phòng bằng tranh tre. Mãi gần 20 năm sau, 1941-1942 mới xây dựng thêm một dãy hai phòng cũng bằng gạch ngói đối diện với dãy đầu tiên, thay thế cho các phòng tranh ban đầu. Trường được bao quanh bởi bốn bức tường bằng gạch vôi, mỗi bề hơn 100 mét. Cổng trường nhìn về hướng Bắc. Trong sân trường có sáu cây phượng vĩ, hai cây gòn cao to và môt cây me tây cành lá sum suê, che mát quanh năm. Giờ ra chơi, học sinh ngồi dưới gốc cây học bài, tán gẫu hoặc đá cầu, đi ục(2), đánh bi hoặc u tây(3) và cũng là nơi cho học sinh tập thể dục vào mỗi buổi chiều.

Trường được xây dựng không do ngân sách của chế độ cũ mà bằng tiền bán các phẩm hàm ( 4 ) như Cửu phẩm, Bát phẩm hoặc Chánh, phó tổng dụng, người mua phải phải đi làm xâu hay canh gác ban đêm.

Đây là trường học đầu tiên không riêng cho huyện Đại Lộc mà chung cho nhiều xã ở phía tây các huyện lân cận như: Duy xuyên, Điện bàn và Hòa vang của tỉnh Quảng Nam. Trường được thành lập không phải vì chủ trương mở mang dân trí. Bởi một lẽ dễ hiểu, sách lược của thực dân pháp là duy trì chính sách ngu dân để dễ bề thống trị. Vì mục đích đào tạo những tay sai cho chúng. Song vào thời điểm bấy giờ, mục đích chính của việc mở trường Mỹ Hòa là để dẹp bỏ và thay thế cho trường Quảng Huế do thầy giáo Xứng ( cụ Nguyễn Hữu Xứng người thôn Giao Thủy ) mở ra theo lời dặn của cụ Trần Cao Vân sau cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội thất bại ( 1915 – 1916 ), vua Duy tân bị thực dân Pháp đầy đi Châu Phi nhằm tạo điều kiện hợp pháp hoạt động, tập hợp lực lượng chờ thời cơ và tiếp tục cuộc đấu tranh còn dang dở. Học phí được cha mẹ học sinh đóng góp bằng nông thổ sản, tùy khả năng của từng gia đình, không bắt buộc. Sau đó chính quyền phong kiến tay sai đánh hơi thấy cứ để dạy như thế sẽ bất lợi cho chúng, nên đã xây dựng trường Mỹ Hòa như đã kể trên để dễ bề kiểm soát theo dõi.

Trường Mỹ Hòa nói trong bài này là trường cũ. Trường mới sau này nằm ở thôn Hóa Đông, sau cùng lấy tên là trường Mỹ Hòa nhương là trường phổ thông THCS Mỹ Hòa.

Đi ục: Khoét một lỗ tròn có bán kính to bằng quả trường. Người chơi đứng cách xa 3 mét, dùng đồng xu để thảy vào lỗ. Hai ba người thay phiên nhau chơi. Ai thảy trúng lỗ là thắng.

U tây: Mỗi bên có 5 hay 10 người sắp thành hangh thẳng đứng cách dãy bên kia từ 10 đến 15 mét. Một người của hàng bên này chạy qua trước hàng bên miệng phát ra tiêng u.u…

Nếu bên kia bắt được người này thì thắng, nếu người này chạy được về phía hàng của mình từ giữa sân trở về thì thắng. Bên không bắt được thì thua.

Bán phẩm hàm: Do Tri huyện định giá: 5 đóng thời bấy giờ, được phó Tổng Dụng, 10 đồng được chức Chánh Tổng dụng, 20 đồng được chức Cửu phẩm, 30 đồng được chức Bát phẩm thì khỏi đi xâu lẫn canh gác. Đi xâu tức là đi lao động từ 5 ngày đến 1,2 tháng để làm đường 14 – Quốc lộ 14, nằm trong phạm vi huyện Giằng.

Đến đây cũng cần nhắc qua các vị Hiệu Trưởng ban đầu là các ông Trần Nhẫn, Trương Tri, Nguyễn Đình Thống cùng các thầy Trần Quang Duyệt ( người luôn chững chạc với áo vải đen khăn đóng ) Trương Thế Sáng, Trần Quang Hiển, Nguyễn Văn Huy, Trương Đình Nghĩa, Trần Thuyên ( con của nhà yêu nước Trần Quý Cáp – Phong trào Văn Thân ) Phan Xuân Cáo rồi nhiều người nguyên là học sinh trường Mỹ Hòa sau khi thi đỗ trường sư phạm đã về dạy lại trường như các thầy Quách Xân, Nguyễn Lân.

Điều đáng tự hào là trường Mỹ Hòa được nỗi tiếng là nơi dạy giỏi, học giỏi của tỉnh nhà trước cách mạng tháng tám năm 1945. Năm nào trường cũng có học sinh đỗ Thủ khoa hoặc hạng hai, hạng ba trong kì thi Tiểu họccủa tỉnh tại Hội An. Lương tâm , trách nhiệm nghề nghiệp và sự tận tâm đào tạo nhân tài cho đất nước của các thầy kể trên rất cao, là điểm son cho ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam thời bấy giờ.

Cho đến ngày nay, tôi vẫn còn nhớ như in trong giờ học Sử ký từ lớp Năm đến lớp Nhất ( nay là lớp Một đến lớp Năm) các thầy đều giảng rất kỹ. Bất cứ thời kì nào từ Hai Bà Trưng đến Đinh, Lê, Lý, Trần các thầy luôn luôn đề cao ý chí quật cường, bất khuất của dân tộc, một nhân tố quyết định để chiến thắng giặc ngoại xâm. Điều đó phần nào đã hun đúc được tinh thần yêu nước của học sinh lúc tuổi vào đời.

Theo các tư liệu lịch sử truyền thống cách mạng của huyện Đại Lộc và xã Đại Hòa thì trường Tiểu Học Mỹ Hòa là nơi đầu tiên tiếp thu ánh sáng Cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đem về truyền bá qua các đồng chí Nguyễn Đức Thiệu, người gốc thôn Ái Nghĩa, rễ của ông Viên Kỳ ở thôn Thạch Bộ Bắc, người đảng viên Cộng sản năm 1929 của huyện Đại Lộc, đồng chí Nguyễn Soạn, cũng gốc thôn Ái Nghĩa, Đảng viên cộng sản năm 1930, thường về quê ngoại ở thôn Ái Mỹ và ông Phan Thanh, người thanh niên Dân chủ ở thôn Bảo An ( Xã Điện Quang, huyện Điện Bàn ) là chồng bà Lê Thị Xuyến, người thôn Hòa Thạch, trước đó là học sinh trường Mỹ Hòa. Những hạt giống cách mạng đầu tiên này của huyện, qua quan hệ bà con hoặc thân quen đã tuyên truyền rĩ tai vào số học sinh lớn tuổi như Huỳnh Ngọc Huệ, Võ Quảng, Trần Tống, Hồ Phước Hậu, Lưu Quý Kỳ…Sự giác ngộ cách mạng của những học sinh lớp lớn dần dần được lan truyền sang nhiều học sinh trẻ tuổi khác như: Bùi Thương, Ngô Quang Tám, Phạm Khoa, Trương kim Ẩn, Hứa toản, Trương Trịnh, Đặng Khiết, Đặng Hòa, Đỗ Ngọc Mai, Trần Hồng Chu, Trần Hãn ( Trần Chi ) – hai đồng chí này đều là em ruột của đồng chí Trần Tống, Trương Quang Lạc, Lương Văn Lý, Hồ Phước Tâm, Trương Chấn. Đó là những học sinh hăn hái sôi nỗi nhất được tập hợp vào tổ chức “Thanh niên phản đế” ở trường Mỹ Hòa. Từ những năm 1933 trở đi, hằng năm cứ vào ngày 01.5, cờ đỏ búa liềm đều xuất hiện ở trường Mỹ Hòa, tiệm ươm Giao Thủy, cùng với truyền đơn “ Đánh đỗ thực dân pháp và tay sai phong kiến Nam Triều”, “Đông dương hoàn toàn Độc lập muôn năm”. Sau đó nhóm thanh niên phản đế trường Mỹ Hoà cùng ` nhóm Thanh Niên phản đế thôn Ái nghĩa phối hợp thành lập Đội Bóng tròn để tạo điều kiện tập hợp lực lượng.

Cũng từ đó, phong trào cách mạng chớm nở nhóm thanh niên Phản đế trường Mỹ Hòa được phát triển rộng rãi trong học sinh thông qua sách báo tuyên truyền, gây ảnh hưởng trong quần chúng tiến bộ và từ Thanh Niên Phản đế chuyển thành tổ chức thanh niên Dân chủ trường Mỹ Hòa. Tờ báo “ Nói” in đông sương bằng mực tím và tờ báo “ Tập làm văn” viết tay ra đời, nhằm tuyên truyền cách mạng. Lưu hành trong học sinh lớn tuổi có tư tưởng tiến bộ ở trường Mỹ Hòa và thanh niên vùng lân cận.

Đầu năm 1937, các báo tiến bộ như tiếng Dân, Dân chúng, Lao động, Đấu tranh và các tập sách “ Chính phủ là gì ?” , “ Giai cấp là gì ?”, loại sách Mác xít phổ thông của Hải Triều công khai xuất hiện ở trường Mỹ hòa, được chuyền tay trong số học sinh và số thanh niên cũng như quần chúng tiến bộ ở các vùng lân cận, do các đồng chí Mai Lương ( Hòa Vang ), Lê trí Viễn, Lê Nam, Lê Hy ( Điện Bàn ) là học sinh trường Mỹ Hòa, mang về truyền bá cho địa phương mình.

Ngoài việc tuyên truyền gây ảnh hưởng và tập hợp lực lượng để tổ chức thành đội ngủ, trong năm 1937 tổ chức thanh niên dân chủ trường Mỹ Hòa đã tuyên truyền, phân phát truyền đơn cổ động cho ông Phan thanh, đánh bại đối thủ có thế lực được chính quyền Nam Triều phong kiến đưa ra là Nguyễn Quốc Túy.

Đêm 30.5.1939 được sự chỉ đạo của chi bộ Đảng tổng Mỹ Hòa, Đoàn thanh niên Dân chủ của trường tổ chức trọng thể lễ truy điệu ông Phan Thanh chết vì căn bệnh hiểm nghèo trong lúc còn là Nghị viên dân biểu hạt trung kỳ. Sáng hôm sau, cờ đỏ búa liềm và những khẩu hiệu “ Vô cùng thương tiếc dân biểu Phan Thanh” đặc biệt có hai câu đối điếu của nhà thơ Khương Hữu Dụng, viết bằng mực tàu đen trên vải trắng:

“ Là nghị viên đắc lực

Là chiến sĩ tận tâm

Trang sử tương lai

Tên bạn viết to hàng chữ trước

Vì hạnh phúc hòa bình

Vì quyền lợi dân chúng

Con đường đấu trnh

Hồn anh nâng mạnh bước người sau.”

Vẫn còn nguyên trên các cành cây của sân trường, kiến Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Thống phải cho thu dọn cất dấu ngay khi được tin đốc học (5) Lê Thước sẽ đến khám trường vì có mật báo của bọn tay sai chỉ điểm.

Tiếp sau đó, chính quyền nam triều phong kiến tổ chức bầu người thay thế ông Phan Thanh. Và trong việc đắc cử của ông Đặng thai Mai, áp đảo đối thủ Lê Huấn do tổng đốc Ngô Đình Khôi ( 6 ) đưa ra, cũng có sự đóng góp lớn của đoàn Thanh niên Dân chủ cùng số học sinh tiến bộ của trường Mỹ hòa trong việc tuyên truyền cổ động.

Cũng tại trường Tiểu Học Mỹ hòa, từ sau ngày đảo chính Nhật 9/3/1945 đến ngày cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều buổi tuyên truyền và nhiều buổi kịch do các đồng chí Trần Đình Tri, Lưu Quý Kỳ, Trương nhi, Khương hữu Chí đứng ra tổ chức, người xem đến chật cả sân trường, để nhen nhúm cho ngọn lữa bùng lên hòa vào cuộc Cách Mạng mùa thu Tháng Tám.

Đúng như câu chót trong 2 câu đối điếu ông Phan Thanh của nhà thơ Khương Hữu Dụng: Hồn

5. Đốc học: Chức danh như giám đốc Sở Giáo dục thành phố hoặc tỉnh ngày nay.

6. Tổng đốc: Là Tỉnh trưởng thời chế độ cũ do Chính Phủ Nam Triều đặt ra. Tổng đốc Ngô Đình Khôi là anh ruột của Ngô Đình Diệm

anh nâng mạnh bước người sau”. Người sau là hằng trăm học sinh của trường Mỹ Hòa được giác ngộ và đã giác ngộ lại cho hàng ngàn, hàng vạn đồng bào, nối gót tiền nhân góp phần làm nên mùa thu Tháng tám năm 1945 lịch sử và cùng cả dân tộc tiếp bước, làm nên thắng lợi vang dộiqua hai cuộc kháng chiến trường kì chôgs thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược.

Đến nay dù đã xa trường chăn 60 năm nhưng tôi không thể nào quên được những kỹ niệm cùng những hiểu biết lúc thiếu thời tại trường tiểu học Mỹ Hòa, nơi dạy ra dạy, học ra học, thầy ra thầy, trò ra trò, đã góp phần nâng cao dân trí cho hàng vạn người. Đặc biệt nơi đây có thể nói là cái nôi của phong trào Cách mạng vùng Tây Bắc tỉnh Quảng Nam hồi bấy giờ. Sau cách Mạng tháng tám năm 1945 thành công, những học sinh cũ của trường Mỹ Hòa hầu hết trở thành những đảng viên Cộng sản, đã tỏa đi khắp nước và đều làm tròn nhiệm vụ công dân, đánh giặc trong thời chiến cũng như xây dựng trong thời bình. Đến nay, một số đông học sinh của trường Mỹ Hòa đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến hoặc đã chết vì tuổi già, số còn lại tuy ít nhưng vẫn giữ được những gì đã hấp thụ lúc tuổi mới lớn vào đời tại trường và phẩm chất cách mạng được rèn luyện khi đã thành người đảng viên Cộng Sản, người cán bộ Cách Mạng.
LỊCH SỬ TRƯỜNG MỸ HOÀ Truongmyhoa

hanhnhan_friendship
Thành viên mới
Thành viên mới

Tổng số bài gửi : 11
Join date : 08/01/2010
Age : 28
Đến từ : quang hue_dai an_dai loc_quang nam

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết